Hồi đầu năm nay, tạp chí Forbes cho biết toàn thế giới hiện có 2.153 tỷ phú đô la với tổng tài sản hơn 8.700 tỷ USD. Nhưng không phải tất cả hậu duệ của những đại gia này đều trở thành chủ sở hữu của món tiền khổng lồ trong di chúc.
Alex Shih, 30 tuổi con trai thừa kế của hãng môi giới bất động sản lớn nhất Hong Kong (Centaline Group), đang phải tiết kiệm từng đồng để mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở khu phố trung lưu. Toàn bộ số cổ phần trị giá 400 triệu USD mà đáng ra Shih sẽ thừa hưởng đều đã được cha của anh đem đi làm từ thiện.
Cha của Shih, một trong những nhà tài phiệt lớn nhất ở Hong Kong, đã luôn dành cho con trai mình một nền gia giáo nghiêm khắc. Shih không học ở các trường quốc tế hoặc du học nước ngoài như con cái của các đại gia khác. Anh phải học ở một trường công ở gần nhà với học phí rẻ hơn rất nhiều. Trước khi trở thành người thừa kế, anh đã phải làm một nhân viên môi giới bất động sản lang thang khắp ngõ hẻm Hong Kong tìm khách hàng. Không có bữa ăn nào miễn phí, Shih buộc phải tự đi lên bằng đôi chân của chính mình.
Nhưng Shih không phải là người duy nhất. Ngày càng có nhiều hơn những “hoàng tử”, “công chúa” trong những danh gia vọng tộc như Shih sớm phải vật lộn mưu sinh ngoài đời thay vì “ngồi mát ăn bát vàng”.
Warren Buffett tuyên bố sẽ hiến 99% tài sản của mình cho quỹ Bill & Melinda Gates, một sản phẩm thiện nguyện của Bill Gates và vợ. Tỷ phú tuổi 30, ông chủ Facebook, Mark Zuckerberg cũng tuyên bố dồn hết tài sản vào quỹ từ thiện mang tên ông và người vợ Trung Quốc. Mới đây chưa lâu, năm 2015, tỷ phú Hong Kong, Yu Pang-Lin qua đời ở tuổi 93, để lại di chúc hiến toàn bộ tài sản trị giá khoảng 2 tỉ USD cho hoạt động từ thiện.
Đương nhiên, trong hơn hai ngàn tỷ phú đô la trên thế giới không phải ai cũng đủ dũng khí như thế. Nhưng càng ngày các đại gia càng không mặn mà với việc di chúc lại khối tài sản tỷ đô cho cậu ấm cô chiêu của mình.
Vì sao?
Hãy thử tưởng tượng, khi nghiễm nhiên giàu có từ trong trứng nước, nghiễm nhiên ngồi trên núi vàng, bạn có chắc mình còn động lực cống hiến cho xã hội? Tâm lý của con người rất kỳ lạ, khi không phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt với những đồng tiền nhọc nhằn kiếm được, người ta ắt sẽ không biết trân quý nó.
Đầu năm nay, khảo sát của một công ty quản lý tài sản ở Anh cho hay cứ 5 triệu phú Anh trên 45 tuổi thì lại có một người không có ý định để lại tài sản cho con cái. Có tới gần một nửa trong số 1000 người được hỏi cho biết họ sẽ tiêu hết số tiền trước khi qua đời, khoảng 9% số người chọn phương án làm từ thiện.
Lucy Birtwistle, giám đốc quan hệ khách hàng của hãng Stonehage Fleming kể lại: “Tôi từng làm việc với rất nhiều người thừa kế của các gia đình giàu có. Không ít người trong số họ nghĩ rằng: ‘Tại sao phải học đại học cơ chứ? Sẽ chẳng một ai ấn tượng với những việc tôi làm bởi bố mẹ tôi đã quá thành công rồi’”.
“Phần lớn vấn đề xuất phát từ các bậc cha mẹ. Con cái của họ chủ yếu là thiếu thốn tình thương từ nhỏ. Những đứa trẻ lớn lên có quá nhiều tài sản, quen với chất kích thích và không còn áp lực kiếm việc làm”, ông Sandy Loder (nhà sáng lập hãng tư vấn AH Loder Advisors) giải thích.
Điều ấy đã nói lên rằng, đôi khi người giàu còn phải chịu ám ảnh về tiền bạc gấp nhiều lần người nghèo! Tiền bạc thiếu rất nhiều thì thấy khổ sở, thiếu một chút thì thấy bất tiện nhưng thừa quá nhiều thì có thể là kiếp họa.
Những tỷ phú chân chính, hầu như đều là xây dựng sản nghiệp bằng đôi tay của mình. Xuất phát điểm của từ tầng lớp trung lưu, họ cũng phải vật lộn với cuộc sống, làm việc chăm chỉ và đôi khi hứng chịu những thất bại cay đắng, những cú tát đau điếng từ trường đời. Đối với họ, sau nửa đời người bôn ba, tiền bạc có thể không phải là thứ quý giá nhất.
Nhân sinh như mộng, tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, quá phù du và dù thế nào cũng không thể mang theo khi chết. Để lại cho con vàng bạc đầy kho chẳng bằng dạy cho chúng những bài học di huấn về đạo đức, về trách nhiệm và về nghệ thuật sống.
---Sưu tầm---